Tống Sư Đạo thiết yến trong phòng lớn của chiếc chiến thuyền, giản đơn mà long trọng, chủ tọa là một đôi nam nữ. Nam tuổi ước chừng bốn mươi, nhưng đầu tóc bạc trắng, trên mặt để một bộ râu dài màu ngân bạch, nhưng không hề có vẻ già cỗi, mà thập phần anh tuấn, có hào khí của nhất phái đại gia, hơn nữa thần thái cũng khiêm cung khách khí phi thường. Nữ nhân tuổi chừng hai lăm hai sáu, dáng vẻ yêu mị phi thường, thái độ với nam nhân thập phần thân thiết, hơn nữa thần tình dáng điệu vô cùng khiêu khích, gây cho người ta một cảm giác không chính phái. Còn Khấu Trọng và Từ Tử Lăng thì lại liên tưởng đến các cô nương trong Xuân Phong lầu, bất quá nhan sắc của nữ nhân này vượt xa bất kỳ hồng cô nào trong kỹ viện đó mà thôi. Sau khi Tống Sư Đạo giới thiệu, mới biết nam nhân chính là cao thủ trứ danh của Tống phiệt, Ngân Tu Tống Lỗ, nổi tiếng khắp vùng Giang Nam với một bộ Ngân Long quải pháp tự sáng tạo. Tống Lỗ là tộc thúc của Tống Sư Đạo, cũng là một trong các nhân vật chủ chốt của Tống phiệt. Nữ nhân tên gọi Liễu Thanh, là tiểu thiếp Tỗng Lỗ mới thu nạp, còn về lai lịch thế nào thì cũng không nói kỹ càng. Lúc Tống Sư Đạo định giới thiệu ba người mới chợt nhớ ra là y không biết danh tính, đang ngần ngừ không biết phải làm sao thì Phó Quân Sước đã lên tiếng nói tên ba người ra, không hề giấu diếm. Tống Lỗ mỉm cười nói : - Cô nương tinh hoa nội liễm, hẳn là người có võ công thượng thừa, bội kiếm cũng khắc biểu tượng của dị quốc, không biết lệnh sư là cao nhân phương nào mà có thể đào tạo ra được một nhân vật cao minh như cô nương đây? Hai gã Khấu, Từ nhìn nhau le lưỡi, đúng là thành danh không phải may mắn, hai gã tuy chưa từng nghe qua danh tiếng của của Tống Lỗ, nhưng cũng biết y là nhân vật nổi danh, bởi vậy nên nhãn lực mới cao minh như vậy, nói chuyện mới đắc thể như vậy, từ đó không khỏi sinh lòng ngưỡng mộ. Ánh mắt của hai gã còn có hiệu lực hơn tất cả mọi lời nịnh hót, Tống Lỗ cũng vì vậy mà nảy sinh hảo cảm với hai gã. Phó Quân Sước chậm rãi đáp lời : - Xin Tống tiên sinh thứ lỗi, Quân Sước có nghiêm lệnh của gia sư, không thể tiết lộ thân phận lai lịch. Liễu Thanh lúng liếng liếc mắt nhìn hai gã tiểu tử một cái, mỉm cười nói : - Hai vị tiểu huynh đệ này thật anh tuấn hiên ngang, tại sao lại không cùng Phó cô nương tham luyện võ công, không biết là người thế nào với Phó cô nương? Khấu Trọng ưỡn ngực đằng hằng nói : - Hai huynh đệ chúng tôi đang chuẩn bị theo mẹ của chúng tôi học võ công thượng thừa, đa tạ Tống phu nhân đã tán thưởng! Tống Sư Đạo nghe thấy gã nói “mẹ của chúng tôi” thì giật thót mình, liếc mắt nhìn thân hình diễm lệ vô song của Phó Quân Sước, biến sắc nói : - Mẹ của hai người? Phó Quân Sước thoáng đỏ mặt, nghiêm khắc trừng mắt nhìn Khấu Trọng một cái rồi lên tiếng chữa lời : - Đừng nghe hai tên tiểu quỷ này hồ ngôn loạn ngữ, tại chúng cứ đòi nhận ta làm mẹ... Từ Tử Lăng cố ý xoa bụng rầy rà nói : - Mẹ! Con đói rồi! Liễu Thanh không nén nổi, khúc khích che miệng cười. Hai chú cháu Tống Sư Đạo và Tống Lỗ cảm thấy đầu óc mơ hồ, không thể nào hiểu nổi quan hệ giữa mỹ nữ tuyệt sắc với hai tên tiểu quỷ này. Phó Quân Sước thấy hai tên tiểu quỷ nhìn Liễu Thanh si si dại dại, bất giác sinh ra một cảm giác đố kỵ quái lạ, hừ lạnh một tiếng nói : - Còn dám hồ ngôn loạn ngữ, ta sẽ... ta sẽ... Tống Sư Đạo vui vẻ nói : - Xin mời Phó cô nương và hai vị tiểu huynh đệ nhập tiệc, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng tâm tính thiếu niên, thấy Tống Sư Đạo tôn trọng mình, bao nhiêu ghen tuông lúc nãy đã giảm đi quá nửa, lại thấy trên bàn toàn là sơn trân hải vị, nên lập tức ngồi xuống, chẳng hề để ý đến lễ giáo giang hồ. Bọn Tống Sư Đạo cũng đã phần nào đoán được gốc gác của hai gã nên cũng chẳng để vào lòng, chỉ khẩn khoản mời Phó Quân Sước ngồi xuống, Tống Sư Đạo và Tống Lỗ ngồi hai bên tả hữu, Liễu Thanh thì ngồi xuống bên cạnh Tống Lỗ, bồi tiếp Khấu Trọng và Từ Tử Lăng ăn uống. Hai đại hán đứng hầu lập tức bước lên rót rượu cho mọi người. Phó Quân Sước nói : - Trước giờ tôi không uống rượu, hai tên tiểu tử này cũng không tiện uống, ba vị xin cứ tự tiện. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đang muốn thử mùi vị của mỹ tửu xem thế nào, nghe thấy nàng nói vậy lập tức lộ vẻ thất vọng ra mặt. Phó Quân Sước thầm cảm thấy vui vẻ, cuối cùng thì nàng đã trị được hai tên tiểu quỷ này một mẻ. Tống Lỗ mỉm cười nói : - Vậy mọi người không ai uống rượu nữa? Tiểu Thanh có vấn đề gì không? Liễu Thanh nhoẻn cười nói : - Thiếp thân làm sao có vấn đề chứ? Chỉ sợ là hai vị tiểu huynh đệ đây có vấn đề thôi! Khấu Trọng ưỡn ngực nói : - Đại trượng phu có thể co có thể duỗi, có thể uống cũng có thể không uống, làm sao có vấn đề được chứ? Ba người Tống gia đều đã lăn lộn giang hồ không ít, biết đủ mọi hạng người, hiểu rõ gã đang nói cứng, nhưng cũng không lên tiếng chọc phá mà chuyển sang nói chủ đề khác. Tống Lỗ hiển nhiên là người rất sành sỏi ẩm thực, thuận miệng giới thiệu các mỹ thực trên bàn, lại nói cả cách nấu nướng, chọn nguyên liệu, khiến hai gã Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đã đói đến mềm người nghe mà tròn mắt há miệng, hai tay liên tục càn quét thức ăn trên bàn. Phó Quân Sước lại không hề hứng thú với thức ăn trên bàn, chỉ ăn hai ba miếng rau xanh rồi dừng đũa, ngọc dung tịnh như nước hồ thu, đẹp tựa Quan Âm Đại Sĩ giáng thế vậy. Tống Sư Đạo càng nhìn nàng càng ái mộ, nhưng bởi Tống Lỗ vừa rồi đã chỉ ra là nàng đến từ dị quốc, thật chẳng khác gì một tảng đá đè lên tim y, bởi vì họ Tống nhà y nghiêm cấm việc thông hôn với dị tộc, nếu chẳng may mỹ nữ tuyệt sắc này là người dị tộc, thì trừ phi y ra khỏi gia môn, bằng không chỉ có thể hữu duyên vô phận mà thôi. Liễu Thanh lại rất có hứng thú với hai tên tiểu tử không biết trời đất là gì này, mỉm cười nhìn hai gã ăn uống như phong quyển tàn vân, thỉnh thoảng còn giúp đỡ hai gã gắp thức ăn, tiếp đãi rất chu đáo. Đợi cho hạ nhân dọn dẹp hết bát đĩa, Tống Lỗ liền tự tay đun trà đãi khách. Y thấy Phó Quân Sước không có hứng thú với chuyện ăn uống liền chuyển chủ đề : - Phó cô nương đến Trung thổ của chúng tôi không biết có quen thuộc hay không? Tống Sư Đạo lập tức để lộ thần sắc khẩn trương, biết rõ Tống Lỗ đã nhìn ra tấm lòng ái mộ của y với Phó Quân Sước, cố ý dò hỏi để chứng minh thân phận dị tộc của nàng, dập tắt hy vọng của y. Phó Quân Sước nhạt giọng hỏi lại : - Tống tiên sinh làm sao chỉ dựa vào bội kiếm của tiểu nữ mà đã đoán định Quân Sước là người đến từ ngoại vực? Hai mắt Tống Sư Đạo lập tức sáng rực lên. Tống Lỗ ra vẻ áy náy nói : - Xin thứ cho Tống mỗ mạo muội, không biết cô nương đã nghe qua câu chuyện về Hòa Thị Bích hay chưa? Khấu Trọng giơ tay lên như học sinh trả lời thầy giáo : - Ta đã nghe qua rồi. Tần Chiêu Tương Vương lấy mười lăm tòa thành trì để đổi lấy trấn quốc chi bảo của Thang Huệ Văn Vương là Hòa Thị Bích. Triệu Vương phái Lạn Tương Như hộ tống Hòa Thị Bích đến bái kiến Tần Vương, Lão Lạn này ngu đần mang ngọc bỏ trốn, cũng may là Tần Vương càng ngu hơn, để cho lão và Hòa Thị Bích trở về nước, câu chuyện này gọi là “hoàn bích quy Triệu” hay cái con khỉ mốc gì đó. Chúng nhân đều bật cười phát lên, Liễu Thanh cười dữ dội nhất, chỉ tay hỏi Khấu Trọng : - Vậy Hòa Thị Bích đó sau này thế nào? Phó Quân Sước cũng thầm cảm kích, biết Khấu Trọng sợ nàng không trả lời nổi câu hỏi của Tống Lỗ mà tiết lộ thân phận nên mới tranh trả lời trước, đồng thời nàng cũng thầm kinh ngạc trước sự cơ trí của “đứa con” này. Khấu Trọng chỉ vì đã nghe qua Bạch lão phu tử kể chuyện hoàn bích quy Triệu nên mới có lời mà nói, còn về chuyện sau khi “quy Triệu” thì làm sao mà gã biết được, đành phải gượng cười nói : - Chuyện này e chỉ có trời mới biết. Liễu Thanh cười tươi như hoa nở, dựa cả người vào Tống Lỗ, dáng vẻ yêu kiều khôn tả. Tống Lỗ thấy tên tiểu tử này làm ái thiếp vui vẻ như vậy, trong lòng cũng rất vui thích, nhất thời quên cả chuyện thăm dò Phó Quân Sước, chậm rãi giải thích : - Hòa Thị Bích về sau rơi vào tay Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng đã lệnh cho Lý Tư khắc lên trên ngọc tám chữ triện: “thọ mệnh ư thiên, ký thọ vĩnh xương”, từ đó Hòa Thị Bích liền trở thành ngọc tỷ của Hoàng đế. Khấu Trọng và Từ Tử Lăng liền gật gù, biểu tình như kiểu “thì ra là thế”. Tống Sư Đạo sợ rằng Tống Lỗ sẽ tiếp trục truy vấn Phó Quân Sước liền tiếp lời : - Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang lật đổ đại Tần, Tần Vương Tử Anh liền đem Hòa Thị Bích hiến cho Lưu Bang, Lưu Bang liền gọi là “truyền quốc tỷ”, kể từ đó Hòa Thị Bích trở thành tượng trưng cho chuyện được mất thiên hạ. Về sau Vương Mãng có ý đồ soán vị nên đã sai đệ đệ là Vương Vũ vào Trường Lạc cung đánh cắp Hòa Thị Bích trong tay Lý Nguyên thái hậu, không ngờ bị Lý Nguyên thái hậu ném xuống đất làm vỡ mất một mảnh. Vương Mãng liền sai người dùng hoàng kim vá vào, khiến Hòa Thị Bích lại có thêm nhã danh Ngọc Thể Kim Giác. Khấu Trọng cười hì hì nói : - Câu chuyện này nhất định là giả rồi, ném mạnh như vậy Hòa Thị Bích chẳng lẽ không vỡ vụn thành bao nhiêu mảnh rồi. Tống Lỗ động dung nói : - Khấu tiểu huynh đệ quả là cơ trí tinh minh, nhưng chuyện này đích thực là chính xác vô cùng, bởi vì ngọc này chẳng phải ngọc thường. Năm xưa người Sở là Biện Hòa đi chặt củi trong rừng, thấy một con phượng hoàng vô cùng xinh đẹp đậu trên một tảng đá xanh, nghĩ đến câu nói: “Phượng Hoàng bất lạc vô bảo địa” [1], đoán định bên trong tảng đá nhất định có bảo vật, liền đem về hiến tặng cho Sở Lịch Vương, chẳng ngờ bọn thợ ngọc trong cung đều bảo tảng đá Biện Hòa hiến tặng chỉ là một tảng đá thường, Sở Vương tức giận liền chặt đi chân trái của y rồi đuổi đi. Biện Hòa không hề ôm hận, đợi cho Vũ Vương đoạn vị, lại đem hiến bảo lần nữa, kết quả là bị chặt nốt chân phải. Đến khi con trai của Vũ Vương là Văn Vương lên ngôi, biết được chuyện này mới cho người mang tảng đá đó vào cung, ra lệnh cho công tượng cẩn thận mài dũa, cuối cùng từ bên trong tảng đá lấy ra được một viên kỳ thế bảo ngọc long lanh tinh khiết, để tưởng niệm Biện Hòa nên đã đặt tên là Hòa Thị Bích. Tống Sư Đạo tiếp lời : - Nếu là bảo thạch bình thường, bọn công tượng trong cung của Sở Vương không thể không hiểu được, đâu đến nỗi hiểu lầm là một tảng đá bình thường. Nội một việc phải mài vỡ lớp vỏ đá mới lộ ra bảo thạch cũng biết Hòa Thị Bích không giống với những bảo thạch bình thường khác rồi, đập mạnh xuống đất như vậy mà chỉ sứt một góc nhỏ, đủ thấy chỗ không tầm thường của Hòa Thị Bích rồi. Lần này thì đến Phó Quân Sước cũng cảm thấy hứng thú : - Vậy rốt cuộc Hòa Thị Bích là thứ đồ gì vậy? Tống Sư Đạo lần đầu tiên được giai nhân hỏi đến, trong lòng thầm vui sướng, hưng phấn nói tiếp : - Theo cổ thư của Tống gia thì ngọc này là kỳ thạch của tiên giới, bên trong ẩn tàng một bí mật kinh thiên động địa, còn chuyện đó là bí mật gì thì không ai biết được. Từ Tử Lăng hiếu kỳ hỏi : - Sau khi Vương Mãng chết, Hòa Thị Bích lại rơi vào tay ai nữa? Liễu Thanh cười cười nói :