Nếu luận về quy mô và uy vọng thì Thạch Long võ trường do Dương Châu đệ nhất cao thủ Thôi Sơn Thủ Thạch Long sáng lập là đứng đầu.
Gần mười năm nay, Thạch Long hầu như không đến võ trường xử lý công việc, tất cả sự vụ đều do đệ tử của y quản lý, nhưng vì bảng hiệu võ trường có tên của y nên những người mộ danh từ phương xa đến vẫn nhiều không kể xiết.
Nội ngoại công phu của Thạch Long đều đã đạt đến cảnh giới của đệ nhất lưu cao thủ, bằng không làm sao giữ được thịnh danh mấy chục năm mà không hề suy vi.
Người này thiên tính háo đạo, không vợ không con, sống một mình trong một tòa tiểu trang viện ở ngoại thành, không hề bước chân ra khỏi cửa, tất cả vật phẩm cần thiết cho cuộc sống đều do đồ đệ của y mang vào. Mấy năm nay, Thạch Long ngày đêm đều vùi đầu nghiên cứu bảo điển cao thâm của đạo gia, Trường Sinh Quyết.
Theo khẩu truyền từ nhiều đời nay, sách này là do thầy của Hoàng Đế thời thượng, Quảng Thành Tử dùng giáp cốt văn viết thành, thâm ảo khó hiểu, những bậc tiên hiền đã đọc qua sách này quả cũng không ít bậc trí giả thông thiên triệt địa, nhưng trước giờ vẫn không ai có thể quán thông được toàn bộ những gì viết trong sách. Trường Sinh Quyết tổng cộng có bảy ngàn bốn trăm chữ, nhưng chỉ có hơn ba ngàn chữ là đã được xem như giải nghĩa được rồi mà thôi.
Trong sách còn chi chít những chú giải của những người đã từng đọc sách này trước đó, song so với nguyên văn thì những chú giải này còn khiến người ta nhức đầu hoa mắt hơn nhiều.
Cũng may là trong sách còn có bảy bức đồ hình, tư thái hoàn toàn khác nhau, đồng thời lại có các dấu hiệu như là chấm đỏ, mũi tên để chỉ dẫn, tựa hồ như đang miêu tả cách luyện một loại pháp môn gì đó, song nếu không hiểu ý nghĩa của những gì viết trong sách thì cũng không thể luyện theo đồ hình này được, giả như miễn cưỡng thúc động nội khí chạy theo một ký hiệu nào đó trong đồ hình, lập tức huyết khí dâng trào, tẩu hỏa nhập ma, nguy hiểm vô cùng.
Thạch Long ngày đêm vùi đầu vào sách này đã được ba năm ròng, nhưng kết quả thu về vẫn chẳng có gì, giống như bảo tàng bày ngay trước mắt mà lại không có chìa khóa để mở vậy.
Ngày hôm nay sau khi đả toạ xong, Thạch Long chợt cảm thấy tim đập mạnh hơn mọi ngày, trong lòng nảy sinh một dự cảm chẳng lành, không thể nào tập trung tinh thần vào trong bảo điển được. Y đang trầm ngâm thì một tiếng ho khan chợt từ bên ngoài cổng truyền lại.
Thạch Long vội cất bảo điển vào trong ngực áo, trong đầu hiện ra vô số ý nghĩ, sau cùng y thở dài một hơi nói:
– Quý khách đại giá quang lâm, xin mời vào trong uống một ly trà nóng!
Chỉ là từ lúc đối phương vào đến tận cửa, y mới sinh ra cảm ứng, biết được võ công người này đã đạt đến cảnh giới của cao thủ tuyệt đỉnh rồi.
Tiêu Tà lúc này đã đến một khu rừng ngoại thành Dương Châu, cùng thuộc hạ nhảy xuống ngựa, triển khai thân pháp xuyên qua rừng cây, lên trên một gò đất nhỏ. Từ đây có thể quan sát hết mọi động tịnh trong một tòa miếu tự rách nát ở bên dưới.
Hai gã thủ hạ hiện thân cúi mình chào Tiêu Tà, một trong hai thấp giọng nói vào tai y:
– Mục tiêu đang ở trong miếu, đến giờ vẫn chưa thấy ra khỏi, tựa hồ nhưng đang đợi ai đó.
Tiêu Tà trầm ngâm giây lát, rồi phát lệnh xuống dưới.
Chúng thủ hạ liền tản ra, ẩn nấp xung quanh tòa phá miếu, hình thành nên một vòng vây khép kín.
Tiêu Tà giờ mới phóng mình lao xuống trước cửa miếu cao giọng nói:
– Thủ hạ dưới trướng Mãn Thiên Vương, Đoạt Mệnh Đao Tiêu Tà phụng mệnh Thiên Vương đến thỉnh giáo cô nương một việc.
"Rầm!" Toà miếu tự vốn đã rách nát, giờ hóa thành gạch vụn bắn tung toé ra bốn phương tám hướng, cùng lúc, một nữ tử hiện thân ở chỗ cửa miếu.
Tiêu Tà không ngờ đối phương lại phản ứng tấn tốc và kịch liệt đến thế, trong lòng cũng hơi hoảng, đưa tay lên đặt chuôi thanh Đoạt Mệnh đao đã cùng bản thân vào sinh ra tử, sát địch vô số.
Nữ tử kia vận võ phục trắng như tuyết, phong tư diễm lệ tuyệt thế, tay chấp trường kiếm tựa tiên nữ giáng phàm.
Trên đầu nàng đội một chiếc mũ tre, phủ một tấm sa mỏng che đi phần mặt từ miệng trở lên, nhưng chỉ để lộ ra phần dưới cằm cũng đủ để người ta khẳng định được rằng nàng là một mỹ nữ hiếm có trên đời rồi.
Thân hình nữ tử này tương đối cao, có một vẻ kiều tư ngạo thái như hạc đứng giữa bầy gà vậy, thể thái đẹp đến nỗi khó có thể hình dung bằng lời.
Khiến cho người ta có ấn tượng đặc biệt sâu sắc là một nốt ruồi nhỏ nơi góc miệng, làm cho vẻ đẹp thần bí của nàng lại tăng lên mấy phần.
Tiêu Tà trợn mắt há miệng hồi lâu mới hồi phục được thần thái ban đầu, đang định lên tiếng thì nghe thấy một âm thanh còn hay hơn cả nhạc tiên trên trời từ cặp môi anh đào của nữ tử kia phát ra:
– Cuối cùng các ngươi cũng đã đến!
Tiêu Tà giật thót mình, nhất thời quên cả chuyện Dương Công Bảo Khố, kinh hãi nói:
– Cô nương đang đợi chúng ta?
Bạch y nữ tử nở một nụ cười khó hiểu, ôn nhu nói:
– Ta đợi người đến để cho ta thử kiếm!
"Soạt!" Nữ tử rút kiếm khỏi bao, một đạo kiếm khí thâm hàn cuồn cuộn về phía Tiêu Tà.
TIêu Tà đã lăn lộn giang hồ một nửa đời người, kinh nghiệm lão luyện phong phú vô cùng, từ tư thế bạt kiếm của đối phương, y biết lần này mình đã gặp phải một kiếm thủ đáng sợ nhất từ trước tới nay nên nào dám coi thường, hét lớn một tiếng, thoái bộ xuất đao, cùng lúc phát hiệu lệnh cho bọn thủ hạ cùng tiến lên vây công.
Hai bên vô oán vô cừu, nhưng vừa gặp mặt đã tàn sát lẫn nhau, đây là lần đầu tiên y gặp phải chuyện như vậy.
Y phục nữ tử kia phất phơ trong gió, kiếm quang mãnh liệt bạo phát.
Một cỗ sát khí kịch liệt vô song bao trùm toàn trường.
Tiêu Tà biết rõ tuyệt đối không thể để đối phương chiếm được tiên cơ, gầm lên một tiếng, cả người lẫn đao hóa thành một vùng đao ảnh sáng loáng xông về phía đối phương. Lúc này đám thủ hạ của y cũng đã lần lượt lao lên trợ trận.
Bạch y nữ tử hét lên một tiếng lanh lãnh, nghiêng người bay lên, vọt qua đầu Tiêu Tà, trường kiếm bổ xuống như thiểm điện.
"Đang!" Đao kiếm giao kích.
Một luồng kình lực không thể kháng cự nổi truyền qua thân đao, lồng ngực Tiêu Tà như bị một trận lôi kích, đau đớn khôn tả, loạng choạng ngã phịch về phía sau.
Nửa đời lăn lộn trên giang hồ, đây là lần đầu tiên Tiêu Tà nếm trải mùi vị vừa đối chiêu đã thảm bại, như vậy có thể thấy kiếm kình của bạch y nữ tử bá đạo đến độ nào.
Bạch y nữ tử lăng không nhào lộn một vòng, hạ thân xuống giữa hai đại hán vừa xông tới chiến trường, người múa kiếm bay, hai đại hán lập tức bay ra xa, không bò dậy nổi nữa.
Chúng đại hán đều là kẻ sống trên đầu đao mũi kiếm, dũng cảm hiếu chiến, đồng bọn thảm tử chẳng những không làm họ sợ hãi mà còn kích phát hung tính, khiến họ quên cả thân mình bổ đến như những con mãnh thú.
Bạch y nữ tử hừ lạnh một tiếng, hóa ra muôn ngàn đạo kiếm ảnh, ung dung luồn lách như quỷ mỵ giữa công thế hung mãnh vô song của chúng đại hán, kiếm đi đến đâu là có kẻ táng mạng đến đó.
Những kẻ trúng kiếm vô luận là bị thương ở chỗ nào, đều lập tức mạng vong, chết do bị kiếm khí chấn nát ngũ tạng.
Lúc Tiêu Tà hồi phục được thần khí thì chỉ còn bốn đại hán đang vất vả tri trì, máu nóng bất giác sôi lên sùng sục, bổ người lao tới.
Gã thủ hạ cuối cùng đã ngã gục xuống đất.
Kiếm quang sáng rực, quấn lấy Đoạt Mệnh đao của Tiêu Tà.
Tiêu Tà tận hết công lực toàn thân đỡ được sáu kiếm thì thanh Đoạt Mệnh đao được đúc bằng tinh cương đột nhiên gãy đoạn.
Tiêu Tà kinh hãi khôn tả, vội dùng luôn đoạn đao gãy còn lại làm ám khí ném về phía đối phương, cùng lúc đề khí tháo lui.
Nữ tử cất tiếng cười lanh lãnh, tung mình lên không, chẳng những né tránh được đoạn đao gãy phi tới, mà còn thoát thủ ném trường kiếm bay ra.
Tiêu Tà rõ ràng nhìn thấy trường kiếm đang bay về phía mình, còn nghĩ ra các loại phương pháp để tránh né, song đến lúc trường kiếm đâm vào thân thể, y vẫn vô phương thực hiện bất cứ phản ứng nào để tự cứu.
Bạch y nữ tử bước tới rút kiếm ra khỏi thi thể Tiêu Tà, tựa như vừa làm xong một chuyện hết sức vô vị, lạnh lùng bỏ đi.
– Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc tự lập kỳ thân. Thạch huynh viết quả thật rất hay, tiến có thể công, thoái có thể thủ, thế nào cũng có thể giải thích một cách hợp lý cho hành vi của mình, Vũ Văn Hóa Cập này bội phục vô cùng, bội phục vô cùng.
Thạch Long biết đối phương mượn đôi liễn mình treo ở khách sảnh để châm chọc.
Nhưng tu dưỡng của y cực cao, hoàn toàn không hề động dung, ngồi yên trên ghế, nhạt nhẽo nói:
– Thì ra là cao thủ xuất quần của Vũ Văn phiệt trong tứ đại thế phiệt đương kim, Vũ Văn huynh không phải đang bận hầu bên cạnh thánh thượng hay sao? Tại sao lại có thời gian nhàn rỗi đến nơi hoang dã này của tại hạ như vậy?
Vũ Văn Hóa Cập chắp tay sau lưng, lững thững bước vào sảnh đường, đưa mắt quan sát khắp nơi một lượt rồi mới nhìn đến Thạch Long đang ngồi vững tựa một trái núi trên ghế, thở dài than:
– Cũng là do Thạch huynh liên lụy ta không ít, huynh có được bảo điển mà những người tu đạo đều ngày đêm mong mỏi, nhưng lại không hiến tặng cho Thánh Thượng, khiến cho long tâm không được vui vẻ. Vũ Văn Hóa Cập ta ăn lộc của người, tự nhiên phải làm việc cho người, hôm nay đến đây để xem Thạch huynh có phải là người tri tình hiểu lý hay không thôi.
Thạch Long thầm kêu lợi hại. Đây là lần đầu tiên y tiếp xúc với người của Vũ Văn phiệt.
Thanh danh uy vọng nhất trong Vũ Văn gia là Phiệt chủ Vũ Văn Thương, sau đó là đến tứ đại cao thủ, trong đó người được nhân sĩ giang hồ biết đến nhiều nhất chính là đương kim tổng quản cấm vệ quân của Tùy Dạng Đế, Vũ Văn Hóa Cập. Nghe nói y là người đầu tiên sau Vũ Văn Thương luyện thành mật công gia truyền Băng Huyền Kình, không ngờ niên kỷ lại trẻ như vậy, nhìn thế nào cũng chỉ chưa quá tam thập.
Từ Bắc Ngụy Nam Bắc Triều trở đi, có một đặc điểm là các thế tộc do các gia tộc hiển quý nhiều đời phát triển mà thành đều được gọi là cao môn hoặc môn phiệt, kinh vĩ phân minh với thường dân bá tánh thông thường trong dân gian.
Vì thế nên mới có câu:
Thượng phẩm vô hàn gia, hạ phẩm vô thế tộc.
Vô luận là trên phương diện kinh tế hay là chính trị, sĩ tộc đều được hưởng đặc quyền đặc lợi so với dân thường. Cho đến khi khai quốc hoàng đế của đại Tùy Dương Kiên thống nhất thiên hạ, thực hiện chế độ khoa cử thì cục diện môn phiệt lũng đoạn tất cả mới bị phá bỏ.
Kinh vĩ phân minh:
“kinh vĩ” có nghĩa là nguồn gốc, ngọn ngành. “Kinh vĩ phân minh” chỉ hai phe nguồn gốc phân biệt khác nhau rành rành.
Tuy vậy, nhưng dư thế của môn phiệt vẫn chưa tiêu tán. Tứ đại môn phiệt danh chấn thiên hạ chính là chỉ bốn đại thế tộc họ Vũ Văn, họ Lý, họ Độc Cô và họ Tống, đối với chính trị, kinh tế và cả võ lâm đều rất có ảnh hưởng.
Trong bốn gia tộc đó, chỉ có Tống thị môn phiệt là thuộc về vọng tộc phương Nam, kiên trì huyết thống chính tông của người Hán. Kỳ dư ba nhà còn lại, bởi vì sống ở phương Bắc nên ít nhiều cũng đã bị Hồ hóa. Họ Vũ Văn vốn là người Hồ, nhưng đã dung hòa vào văn hóa trung thổ nên cũng không bị coi là ngoại nhân.
Tâm niệm Thạch Long chuyển động không ngừng, nhưng bề ngoài vẫn làm như hết sức nhàn rỗi, nhẹ giọng nói:
– Thạch mỗ trước giờ quen sống nơi hoang dã, không hiểu được thế nào là đạo phụng nghênh, lại là người thích mềm không thích cứng, nói không chừng tại hạ nhất thời tức giận, sẽ liều mạng để ngọc thạch câu phần, đem sách này hủy đi, lúc đó không phải là Vũ Văn huynh vô phương ăn nói lại với chủ nhân hay sao?