Nho sinh ở Lai Châu, là Bành Hiếu Cồ, học ở cơ ngơi khác cách nhà khá xa. Trung thu không về kịp, một mình hiu quạnh, nghĩ trong thôn chẳng có ai trò chuyện được. Chỉ có chàng thư sinh họ Khâu là danh sĩ trong huyện, nhưng vốn có tật kín, Bành thường khinh bỉ.
Trăng lên, càng thấy buồn tênh, cực chẳng đã đành viết thiếp mời Khâu. Rượu nửa chừng, có một người gõ cửa lạch cạch, tiểu đồng chạy ra xem thì là một thư sinh muốn yết kiến chủ nhân. Bành đứng lên cung kính mời khách vào. Vái chào xong, cùng ngồi quanh chiếu rượu, hỏi họ hàng quê quán, khách đáp:
- Tiểu sinh người Quảng Lăng, cùng họ với ngài, tên chữ là Hải Thu. Gặp đêm trăng đẹp thế này, ở nhà trọ càng buồn khổ. Nghe tiếng ngài là bậc cao nhã, bàn đường đột yết kiến.
Nhìn xem, người ấy áo vải mà sạch sẽ chỉnh tề, nói cười phong lưu. Bành mừng lắm nói:
- Vậy ra là người đồng tông với tôi. Ðêm nay là cái đêm gì mà gặp được khách quý thế nàch
Liền sai rót rượu, khoản đãi như bạn thân từ trước. Xem , khách dường như cũng rất khinh Khâu, Khâu ngẩng lên bắt chuyện, thì ngạo mạn không đáp lễ. Bành thẹn thay cho Khâu, bàn đánh lảng câu chuyện, xin hát trước một khúc dân ca cho vui. Rồi ngửa mặt dặng hắng lần nữa, hát khúc Hào Sĩ Phù Phong, cùng nhau vui cước.
Khách nói:
- Tiểu sinh không biết hát, không lấy gì đáp lại khúc dương xuân của ngài. Xin nhờ người hát thay được chăng?
Bành đáp:
- Xin vâng.
Khách hỏi:
- Ở thành Lai Châu này có danh kỹ nào không?
Bành trả lời:
- Không có.
Khách nín lặng hồi lâu rồi bảo tiểu đồng:
- Ta vừa gọi một người đến ở ngoài cửa, hãy ra dẫn vào đây!
Tiểu đồng đi ra, quả thấy một cô gái đang loanh quanh ngoài cửa. Nàng khoảng đôi tám, xinh đẹp như tiên. Bành ngạc nhiên hết sức, kéo nàng cùng ngồi. Cô gái mặc áo màu lá liễu, choàng khăn màu vàng, hương thơm sực nức bốn bên.
Khách an ủi:
- Lặn lội ngàn dặm tới đây, thật phiền nàng quá!
Cô gái mỉm cười vâng dạ. Bành lấy làm lạ, gạn hỏi, khách đáp:
- Quê quán khổ nỗi không có giai nhân, tiểu nhân vừa phải gọi cô này trên thuyền ở Tây Hồ đến đâ-
Ðoạn bảo nàng:
- Khúc Chàng Bạc Tình cô vừa hát ở trên thuyền hay lắm, xin hát lại lần nữa.
Cô gái hát rằng:
Chàng bạc tình,
Tắm ngựa ao xuân nọ,
Tiếng người xa,
Tiếng ngựa bỏ.
Trời sông cao,
Trăng núi nhỏ,
Ngoảnh đầu đi không về,
Trong sân trời rạng tỏ.
Chẳng oán xa nhau nhiều,
Sầu hội vui ít có,
Ngủ nơi nao?
Ðừng như bông theo gió.
Cho dù chẳng phong hầu,
Chớ về Lâm Cùng đó!
Khách lấy cây sáo ngọc dắt trong tất ra hoà theo tiếng hát, hết khúc thì sáo cũng dừng.
Bành sửng sốt khen mãi không thôi, rồi hỏi:
- Từ Tây Hồ đến đây đâu chỉ ngàn dặm? Thế mà trong phút chốc vời đến được, chẳng là tiên hay sao?
Khách đáp:
- Ðâu dám nói đến tiên, nhưng có thể coi muôn dặm gần như ngoài cửa. Ðêm nay trăng gió trên Tây Hồ đẹp hơn mọi khi nhiều, không lẽ không đến xem một chuyến? Ngài theo chơi được chăng?
Bành đang để tâm xem sự lạ liền nhận lời đáp:
- Rất hân hạnh.
Khách hỏi:
- Ngài đi thuyền hay cưỡi ngựa?
Bành nghĩ ngồi thuyền nhàn nhã hơn bàn nói:
- Xin cho đi thuyền.
Khách bảo:
- Nơi đây gọi thuyền hơi xa, trên sông Ngân hẳn có người chở đò.
Bành giơ tay vẫy lên không, gọi:
- Thuyền ơi! thuyền xuống đây! Bọn tôi muốn đến Tây Hồ, không sẳn tiền thưởng đâu.
Lát sau, một chiếc thuyền hoa từ trên không lướt xuống, khói mây quấn quýt. Họ cùng lên thuyền. Thấy một người cầm bơi chèo ngắn, đoạn cuối gài kín lông chim dài, hình dáng như cái quạt lông, phẩy một cái là gió mất vi vu. Thuyền dần dần lên tít mây xanh, nhằm hướng Nam lướt tới, vùn vụt như têy
Khoảnh khắc thuyền đã hạ xuống nước. Chỉ nghe sáo đàn rộn rã, chiêng trống vang lừng. Ra khỏi khoang nhìn, trăng in khói sóng, thuyền chơi họp chợ, người lái buông chèo, mặc thuyền tự trôi. Nhìn kỹ, quả là Tây Hồ thật.
Khách lấy ra từ sau khoang món nhắm lạ và rượu ngon, vui vẻ đối ẩm. Lát sau, một chiếc thuyền lầu tới gần rồi đi sát ngay bên cạnh. Nhòm qua song cửa thấy trong thuyền có hai người đang cười rộ bên bàn cờ.
Khách đưa chén rượu mời cô gái, nói:
- Cạn chén, rồi đưa cô về.
Trong lúc cô gái nâng chén, Bành bịn rịn bồi hồi, chỉ sợ nàng đi mất, bàn lấy chân bấm khẽ. Nàng đưa mắt liếc ngang, Bành càng xao xuyến, xin hẹn ngày gặp lại.
Cô gái nói:
- Nếu chàng có lòng thương, cứ hỏi tên Quyên Nương là ai cũng biết.
Khách lấy ngay khăn lụa của bành trao cho nàng, bảo:
- Tôi thay ông ấy đính ước lời hẹn ba năm sau.
Ðoạn khách đứng lên, đặt cô gái trên lòng bàn tay nói:
- Tiên chăng! tiên chăng!
Rồi kéo cửa sổ thuyền bên, bỏ cô gái sang. Mắt cửa chỉ bằng cái đĩa nàng ép mình trườn vào, không cảm thấy bị chật hẹp chút nào. Lát sau nghe thuyền bên có tiếng nói:
- Quyên Nương tỉnh rồi!
Tức thì thuyền ấy chèo đi ngay. Xa trông thuyền nọ đã ghé bến, người dưới thuyền kéo cả lên bờ, Bành bỗng mất hứng chơi, bèn nói với khách muốn lên bờ cùng xem qua đây đó. Vừa mới thương lượng, thuyền đã tự cập bờ, nhân đó bỏ thuyền lên bộ dạo quanh chừng hơn một dặm. Khách đến sau, dắt một con ngựa, bảo Bành giữ lấy. Rồi khách lại đi ngay, dặn rằng:
- Ðợi tôi mượn thêm hai con ngựa nữa.
Mãi không thấy khách đến, đường đã vắng người, ngìng trông trăng đã xế về Tây, trời đã sắp rạng. Khâu cũng không biết đi đường nào. Bành dắt con ngựa tới lui, không biết nên đi hay ở. Khi giong cương cho ngựa tới nơi đậu thuyền thì cả người lẫn thuyền đều chẳng thấy đâu. Bành nghĩ lưng túi rỗng không, càng thêm lo sợ. Trời đã sáng rõ, thấy trên mình ngựa có một túi nhỏ, thò tay xem, được ba bốn lạng bạc, bàn mua thức ăn rồi cứ đợi, bất giác gần trưa. Bành tính chi bằng hỏi thăm Quyên Nương dần dà sẽ hỏi được tin Khâu nhưng khi hỏi đến tên Quyên Nương thì chẳng một ai biết cả. Bành cụt hứng buồn tênh, hôm sau lên đường. Ngựa chạy tốt, may không liệt nhược, nửa tháng về tới nhà.
Lúc ba người cưỡi thuyền bay lên, tiểu đồng về báo:
- Ông chủ đã lên tiên rồi!
Cả nhà đau buồn khóc lóc, nghĩ rằng không về nữa. Bành về tới nhà, buộc ngựa bước vào, người nhà sửng sốt mừng rỡ, xúm lại hỏi han, bấy giờ Bành mới kể hết những sự lạ. Nhân nghĩ chỉ một mình về quê quán, e bên nhà Khâu nghe tin sẽ đến gạn hỏi, bàn răn người nhà chớ nói rộng ra. Trong lúc chuyện trò, Bành kể đến lai lịch con ngựa. Mọi người nghe nói của tiên cho bàn kéo cả ra chuồng xem. Tới nơi chẳng thấy ngựa đâu, chỉ thấy chàng Khâu bị buộc cạnh chuồng ngựa bằng giây cương cỏ. Ai nấy kinh hãi quá sức, gọi Bành đến xem. Thấy Khâu gục đầu dưới máng cỏ, mặt mày xám ngắt, hỏi không nói, duy hai mắt lúc nhắm lúc mở mà thôi. Bành thấy bất nhẫn quá,sai người cởi giây cương vực lên giường.
Khâu như người mất hồn, đổ nước cháo nóng cho, nuốt được chút ít, giữa đêm hơi tỉnh vội đòi ra nhà tiêu. Xốc nách nách đưa đi. Khâu xón ra được mấy cục phân ngựa. Lại cho ăn uống tí chút, bấy giờ mới nói được, Bành đến bên giường hỏi han, Khâu kể:
- Sau khi rời thuyền, hắn dẫn tôi đi nói chuyện phiếm. Ðến chỗ vắng, hắn vỗ đùa vào gáy, tôi liền mê mẩn ngã lăn ra. Nằm phục giây lát, nhìn lại thấy mình đã hoá ngựa. Tâm trí vẫn tỉnh táo nhưng không nói được. Thật là chuyện vô cùng nhục nhã, không sao nói với vợ con được. Xin bác chớ tiết lộ.
Bành nhận lời, sai người hầu thắng ngựa đưa Khâu về.
Từ đấy Bành không sao quyên được Quyên Nương. Ba năm sau, vì có người anh rể làm chức quan Phán ở Dương Châu, Bành nhân đến thăm. Châu này có Lương công tử là chỗ thân quen với Bành, mở tiệc mời chàng đến uống rượu. Trong tiệc có mấy đào hát đều đến vái chào. Công tử hỏi đến Quyên Nương, người nhà thưa là bị ốm.
Công tử giận dữ nói:
- Con tiện tỳ cao ngạo thanh giá, hãy mang thừng trói đem đến đây!
Bành nghe đến tên Quyên Nương, giật mình hỏi là ai. Công tử đáp:
- Nó là con hát số một ở Quảng Lăng. Cậy có chút tiếng tăm mới dám kiêu căng vô lễ.
Bành ngờ tên họ ngẫu nhiên trùng nhau, nhưng lòng vẫn xúc động hồi hộp, chỉ mong được thấy mặt ngay. Lát sau, Quyên Nương đến, công tử hầm hầm kể tội.
Bành nhìn kỹ, quả là người đã gặp trong tiết trung thu, bèn thưa với công tử:
- Cô này là chỗ tôi quen biết cũ, mong ông tha thứ
Quyên Nương đưa mắt ngắm Bành, dường như cũng ngạc nhiên.
Công tử chưa vội hỏi kỹ đã sai người mời rượu. Bành hỏi:
- Khúc Chàng Bạc Tình nàng còn nhớ chăng?
Quyên Nương càng kinh hãi, chăm chú nhìn Bành rồi mới hát khúc xưa. Lắng nghe, đúng là tiếng hát đêm trung thu năm ấy.
Rượu tàn, công tử sai nàng chăn gối hầu khách. Bành nắm lấy tay nàng hỏi:
- Lời hẹn ba năm hôm nay mới thực hiện được chăng?
Quyên Nương đáp:
- Năm xưa theo người đi chơi thuyền Tây Hồ, em uống chưa được mấy chén đã như say. Trong lúc choáng váng bị một người nhấc đem đến một thôn nọ. Một tiểu đồng dẫn em vào nhà trên chiếu rượu có ba người, chàng là một trong số đó. Sau lại đi thuyền đến Tây Hồ , người ta mới đưa em về thuyền cũ qua mắt cửa sổ. Mỗi khi nhớ lại lúc cầm tay ân cần, cứ bảo là mộng ảo. Nhưng khăn lụa còn đây, em vẫn gói kỹ cất đi.
Bành kể nguyên do rồi cùng nhau than thở. Quyên Nương ngả mình vào lòng Bành, nức nở nói:
- Tiên đã làm mối, xin chàng đừng cho em là kẻ phong trần đáng vứt bỏ mà thôi không nghĩ đến người đang ở trong bể khổ này.
Bành đáp:
- Lời hẹn trên thuyền chưa ngày nào tôi lãng quên. Nếu nàng có đó, dù có phải dốc túi bán ngựa, tôi cũng khô
Sáng hôm sau, thưa chuyện với công tử, lại vay mượn quan Biệt giá ngàn vàng, xoá sổ cho nàng rồi đưa nhau về quê. Tình cờ đến cơ ngơi nọ, nàng vẫn nhận ra nơi uống rượu năm nào.
Truyện 11: Bộ Da Vẽ
Thư sinh họ Vương, quê ở Thái Nguyên,một hôm đi sớm, gặp một người con gái ôm bọc quần áo, bôn ba một mình, chân bước ra dáng khó nhọc Vương vội đi vượt lên, nhìn kỹ thì ra một cô gái tuổi chừng đôi tám, nhan sắc tuyệt vời. Bụng yêu thích lắm, liền hỏi:
- Sao mới sớm hôm mà đã đi lẻ loi một mình thế?
Cô gái đáp:
- Là khách qua đường, hiểu sao được nỗi lo buồn của người khác. Hỏi nhau làm gì cho mệt?
Chàng hỏi lại:
- Nàng có nỗi buồn lo gì vậy? Nắu có thể gắng giúp được, tôi sẽ không từ.
Cô gái ủ dột đáp:
- Bố mẹ tham tiền, bán thiếp cho một nhà giàu sang. Người vợ cả rất hay ghen, sớm chiều đánh mắng nhục nhã, không thể chịu nổi nên phải trốn đi.
Hỏi:
- Ði đâu bây giờ?
Ðáp:
- Người đã đi trốn, lại có nơi nào định trước được?
Chàng nói:
- Tệ xá không xa, xin mời nàng quá bước lại đó.
Cô gái mừng lắm, theo chàng. Chàng mang hộ bọc quần áo, đưa nàng về cùng.
Cô gái thấy nhà không có người bèn hỏi:
- Tại sao chàng không có người nhà?
Chàng đáp:
- Ðây chỉ là thư trai thôi.
Cô gái nói:
- Nơi này tốt lắm. Chàng như có bụng thương mà cứu sống thiếp thì xin bí mật, chớ để lọt ra ngoài.
Chàng bằng lòng. Liền cùng nàng chung chạ. Dấu diếm trong buồng kín, qua mấy ngày cũng không ai hay.
Chàng nói hé với vợ. Vợ họ Trần, ngờ rằng đó là nàng hầu vợ bé của nhà đại gia nào, khuyên chồng để cho cô ta đi. Chàng không nghe. Tình cờ một hôm đi qua chợ, gặp một đạo sĩ, nhìn chàng kinh ngạc, hỏi có gặp ai lạ không.
Chàng đáp:
- Không.
Ðạo sĩ nói:
- Người anh đầy tà khí, sao lại nói là không?