4. Đại Tướng Montgomery
Chín trăm lẻ hai chiến tranh đã xảy ra trong hai ngàn rưỡi năm nay: vậy mà đại tướng Anh là Bernard Montgomery đã lập được một kỷ lục mới trong nghệ thuật cầm quân. Trong mười lăm tuần lễ, ông và đội quân thứ tám của ông, tức "Đội quân sông Nile" đã đánh đuổi đại tướng Rommel và đội quân Phi Châu chạy dài khoảng ba ngàn cây số ra khỏi sa mạc Phi châu.
Trước khi ra quân, đại tướng Montgomery bảo sĩ tốt rằng họ sắp chiến đấu một trận quyết liệt trong lịch sử, một trận có lẽ đổi hướng cho đại chiến thứ nhì. Mà đúng vậy. Nếu đại tướng đại bại ở El Alamein thì quân Đức đã chiếm được Ai Cập, kinh Suez và có lẽ cả những mỏ dầu ở Iran và Iraq. Rồi họ có thể băng qua Ấn Độ bắt tay quân Nhật và cắt đứt những đường tiếp tế từ Nga và Trung Hoa.
Vậy mà thiếu chút nữa đại tướng đã không được cơ hội cầm quân ở El Alamein. Nguyên do là trong đại chiến thứ nhất, tại trận Meteron ông bị thương nặng ở phổi đến nỗi người ta tưởng ông đã chết và đem đi chôn. Thân mẫu ông kể lại chuyện đó như sau:
"Bernard ngã gục và người lính chạy giấy của nó bị bắn trúng tim, chết đ è lên nó. Nó bất tỉnh, và được chở tới phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo:"Người này chỉ sống được nửa giờ nữa thôi". Viên đại tá liền cho lệnh đ ào huyệt. Người ta đem xe cam nhông chở Bernard đi. Trên đường tới huyệt, người cầm lái thấy nó cựa cậy nhè nhẹ, bèn bảo bác sĩ: "Cái thây này chưa chết".
Vâng, nhờ trời, thây đó còn sống thật, và thây đó sau này thành một đại tướng nổi danh nhất của Anh trong đại chiến thứ nhì.
Bernard Law Montgomery đã suýt thành một nhà thuyết giáo, chứ không phải là một đại tướng. Thân phụ ông là giáo sĩ H.H. Montgomery, giám mục ở Tasmania và Bernard Montgomery muốn theo gót cha.
Nhưng năm 1899, ông mười hai tuổi, một hôm đứng trên lề đường London, nhìn đoàn quân diễn qua để sang Châu Phi đánh giặc Boer, nghe tiếng kèn, tiếng trống hùng dũng, thấy đám đông hoan hô, ông nhớ lại những chuyện phiêu lưu mà thân mẫu ông đã kể cho ông nghe hồi nhỏ rồi cuộc đời anh dũng của ông nội ông, Robert Montgomery, một vị trung tướng nổi danh trong những trận Ấn Độ. Thế là từ đó trong lòng em nhỏ mười hai tuổi ấy, dào dạt ý muốn làm một nhà cầm quân đại tài chứ không chịu làm một nhà thuyết giáo. Em cũng muốn được diễn qua thành phố London trong đám cờ bay phất phới và dân chúng hoan hô.
Thân mẫu ông kể chuyện những danh nhân Anh như Cromvell, Clive, Drake và Nelson để tiêm cho ông tinh thần mạo hiểm.
Ông được sinh trưởng trong một nhà đầy những sách bất hủ và được hấp thụ những tư tưởng cùng lý tưởng thanh cao. Một hôm thân phụ ông gọi bốn người con vào phòng sách và bảo họ rằng họ đủ trí khôn để tự lựa chọn lấy con đường đi trong đời rồi, cụ không phải dắt dẫn nữa; nhưng lựa đường nào thì lựa, họ cũng không quên được mục đích giúp nước.
Và muốn dự bị để giúp nước, Bernard Montgomery vào trường võ bị Sandhurst. Trong bốn chục năm nay ông là một quân nhân chuyên nghiệp.
Phần nhiều những thắng lợi của ông trong việc cầm quân là nhờ ông có tài dẫn đạo người. Ông tuyên bố rằng điều kiện quan trọng nhất để thắng trận là lòng người: "Không phải là xe tăng, hoặc chiến xa, chiến hạm mà thắng trận được đâu. Thắng được là nhờ con người trong những xe, những tàu đó".
Ông lại nói "Bất kỳ người nào trong bộ đội cũng phải có chí quyết chiến hiện ra ở tia sáng con mắt". Ông bảo bộ đội thứ tám của ông rằng họ là những lính thiện xạ nhất hoàn cầu, đã đầy danh vọng, chưa hề thua trận nào, và không có sức gì ngăn cản bước tiến của họ được. Ông lại tâm sự với họ, cho họ biết họ sắp phải làm những việc gì. Ông cho họ những mục tiêu rõ rệt để nhắm. Ông nói để họ vững lòng vì rằng chỉ khi nào ông có đủ khí giới, có đủ không lực để thắng thì ông mới đưa họ ra trận. Ông cho biết hai quy tắc của ông:
Quy tắc thứ nhất: đừng bao giờ để quân địch ồ ạt tấn công mình đến nỗi mình rối hàng ngũ.
Quy tắc thứ nhì: Không chắc chắn là thắng trận thì đừng bao giờ ra quân. Trong một thông điệp gửi cho quân đội, ông viết:"Nếu tôi không chắc thắng thì không khi nào tôi chiến đấu. Nếu tôi còn phải lo lắng ngại ngùng thì tôi chưa đánh vội, mà chờ cho tới khi mọi sự sẵn sàng".
(...) Kỷ luật của ông rất nghiêm. Một lần, trong một hội nghị quân sự, ông bảo: "Tôi không muốn các ông hút thuốc hoặc ho. Vậy các ông không được hút thuốc ở đây. Ngay bây giờ các ông có thể ho trong hai phút, rồi thì ngừng ho trong hai mươi phút cho tới khi tôi lại để các ông ho trong sáu mươi giây nữa".
Đối với kẻ địch, ông không có tính ghét cá nhân. Ông thường treo hình Rommel trên đầu gường ông và nói rằng muốn được gặp Rommel trước khi chiến đấu. Tại sao? Tại ông nghĩ nếu được nói chuyện với một người mình sắp tấn công, thì dễ đoán được người đó sẽ dùng chiến thuật nào.
Khi bắt sống được tướng Von Thoma, cánh tay mặt của Rommel, ông mời Von Thoma lại dùng cơm tối với ông. Ông vẽ phác chiến trường trên khăn phủ bàn và chỉ cho Von Thoma thấy tại sao Rommel không thể thắng được.
Khi ông chỉ huy quân đội thứ mười hai, trên tường phòng giấy của ông có treo một dấu hiệu ý nghĩa là: "Đã sẵn sàng trăm phần trăm chưa? Khí lực có sung không? Sáng dậy có ca hát vui vẻ không?"
Sự thật thì đại tướng Montgomery không bao giờ thức dậy mà ca hát vui vẻ, hoặc nói năng một tiếng gì hết. Người ta đánh thức ông và một giờ sau ông mới bước ra khỏi giường. Sáu giờ sáng người ta đánh thức ông, ông uống một ly cà phê rồi nằm thêm một giờ nữa để suy nghĩ, tính toán. Những chi tiết lặt vặt, ông để người khác giải quyết, ông tổ chức công việc hàng ngày để không lúc nào phải vội vàng. Ngày mai ra quân thì hôm nay ông vẫn ung dung. Kế hoạch tấn công đã định trước rồi. Ông bảo có thể thắng trận và phải thắng trận từ khi tiếng súng đầu tiên nổ, thắng bằng cách tính kỹ kế hoạch từ trước.
Khi trận đã bắt đầu khai diễn thì ông nghỉ ngơi. Ông lên giường nghỉ một giờ trước khi pháo binh của ông tấn công Rommel ở El Alamein. Bốn giờ rưỡi sau, hồi một giờ rưỡi khuya, vị phó quan của ông đánh thức ông để phúc trình tình hình mặt trận. Ông nghe, ra lệnh xong rồi tắt đ èn, lại ngủ nữa. Sở dĩ ông tự tin ghê gớm như vậy là nhờ ông đã tính toán kỹ lưỡng, nắm được ưu thế trên không và sĩ tốt của ông thiện chiến mà khí giới thì đầy đủ. Đại tướng lấy lời huấn hỗ dưới đây của thân phụ ông làm phương châm: "Con sinh trong một vọng tộc. Vọng tộc không phải chỉ có nghĩa là bề ngoài sang trọng mà còn có nghĩa là tâm hồn thanh cao, nhã nhặn. Phải ghét những cái gì nhục nhã, ti tiện và dơ bẩn".