Tôi thì tôi ưa trái cây lắm. Nhưng không hiểu vì một lẽ bí mật gì, loài cá không ưa trái cây như tôi mà lại ưa trùng. Vì vậy khi đi câu, tôi không nghĩ đến cái tôi thích mà chỉ nghĩ đến cái mà cá thích thôi. Tôi không móc trái cây vào lưỡi câu để nhử chúng, mà móc vào đó một con trùng hay một con cào cào, rồi đưa đi đưa lại trước miệng cá và hỏi nó: "Cá có thèm không?".
Tại sao ta không dùng chiến thuật đó với người? Khi người ta hỏi ông Thủ tướng Lloyd George tại sao ông nắm được quyền hành lâu mà ông khác thì bị lật đổ, bị bỏ rơi, ông đáp: "Tôi luôn luôn ráng kiếm mồi hợp với sở thích của cá".
Tại sao cứ luôn luôn nói tới cái mà chúng ta muốn? Thực là vô ích, ngây thơ và vô lý. Đã đành, cái gì ta thích thì ta để ý tới luôn, nhưng chỉ có một mình ta để ý tới nó. Vì những người khác họ cũng chỉ nghĩ tới cái họ thích thôi, không cần biết ta thích cái gì.
Cho nên chỉ có mỗi cách dẫn dụ người khác theo mình là lựa cách nói sao lời yêu cầu của mình hạp với sở thích của họ và chỉ cho họ cách đạt được sở thích đó.
Xin bạn nhớ kỹ điều đó. Nếu bạn muốn cấm con bạn hút thuốc chẳng hạn, đừng thuyết pháp với nó, đừng bảo nó: "Ba muốn thế này, ba muốn thế khác". Trái lại, nên chứng minh cho nó thấy rằng chất độc trong thuốc làm hại bộ thần kinh và nếu nó không bỏ thuốc đi, thì có lẽ tới kỳ thi thể thao sau, nó sẽ thua anh em mất. Phương pháp đó luôn luôn công hiệu, dù là áp dụng với con nít hay với bò con, với đười ươi. Một hôm, hai cha con triết gia R.W.Emerson muốn dụ một con bê vào chuồng. Nhưng họ mắc phải cái lỗi thông thường là chỉ nghĩ tới cái họ muốn. Cho nên cha kéo, con đẩy. Tai hại thay! Con bê cũng như họ, chỉ nghĩ tới cái nó muốn thôi; chân nó bám vào đất, cứng ngắt, không chịu rời đồng cỏ. Người ở gái thấy tình cảnh đó: chị không biết nghệ thuật viết sách và viết tùy bút, nhưng ít nhất trong trường hợp này, chị cũng có nhiều lưỡng tri hơn nhà triết học Emerson. Chị như bê con, đưa ngón tay vào mõm con vật như mẹ cho con bú, và con vật ngoan ngoãn đi theo ngón tay chị mà vào chuồng.
Ngay từ hồi sơ sinh, bất kỳ một hành động gì của ta cũng vì lợi hết. Ta cho một hội thiện 500 quan ư? Có chắc là hoàn toàn không vị lợi không? Không. Bởi ta cho như vậy là để được tiếng hảo tâm, để thỏa lòng ưu làm việc nhân, đẹp và cao cả, và để phước về sau. Và Thánh kinh có nói rằng: "Con bố thí tức là cho Cha vậy". Hoặc vì không từ chối được vì sợ mắc cỡ... hay vì muốn làm vui lòng một bạn thân, một thân chủ. Dù sao đi nữa thì cũng có một điều chắc chắn là ta đã cho vì ta muốn thỏa mãn một thị dục - Trong cuốn "Nghệ thuật dẫn dụ hành động của loài người". Giáo sư Harry A.Overstreet viết: "Hành động do những thị dục căn bản của ta mà phát sanh. Để tặng những ai muốn dẫn dụ người khác trong việc làm ăn, trong chính trị cũng như trong trường học hay gia đình chỉ có lời khuyên này là hơn cả: Trước hết, phải gợi trong lòng người một ý muốn nhiệt liệt nghe theo ta". Làm được như vậy thì cả thế giới giúp ta thành công và suốt đời chẳng bao giờ ta bị thất bại vì cô độc.
Andrew Carnegie, hồi nhỏ chỉ được học có 4 năm, nhưng vì sớm hiểu bí quyết đó, nên hồi bắt đầu kiếm ăn, mỗi giờ công được có 4 xu, mà tới sau này tính ra ông đã quyên vào những việc từ thiện tới ba trăm sáu mươi lăm triệu đồng.
Ông có hai đứa cháu làm cho mẹ lo lắng nhiều lắm vì đi học xa mà không bao giờ viết thư về nhà. Ông có cách không buộc trả lời mà chúng cũng trả lời lập tức. Ông viết một bức thơ ngọt ngào lắm rồi tái bút: "Gởi cho mỗi cháu 5đ". Nhưng ông làm bộ quên không gởi tiền. Tức thì có thư hồi âm liền, trong đó hai cháu cám ơn "Chú Andrew thân mến" và... Và gì nữa, chắc các bạn đã đoán được.
Vậy ngày mai, nếu ta muốn cho ai làm một việc gì, ta hãy thong thả suy nghĩ và tự hỏi: Làm sao dẫn dụ cho ông ấy muốn làm việc mình cầu ông ấy được?
Như vậy khỏi phải chạy lại nhà người ta để rồi chỉ nói về dự định của mình, ý muốn của mình mà luống công vô ích.
Mỗi năm một lần, tôi mướn một phòng khiêu vũ tại một khách sạn lớn ở Nữu Ước để diễn thuyết.
Có lần tới kỳ diễn thuyết, người ta thình lình cho tôi hay rằng tiến mướn phòng tăng lên gấp ba giá cũ. Khi đó tôi đã quảng cáo, in vé, bán vé, xếp dọn đâu vào đó rồi. Tất nhiên là tôi không muốn trả giá đó. Làm sao bây giờ? Đi kêu ca với người quản lý khách sạn đó ư? Đem cái thắc mắc của mình tỏ với người ta ư?
ích lợi gì đâu? Người đó cũng như tôi, chỉ quan tâm tới điều họ muốn thôi. Tôi suy nghĩ và hai ngày sau tôi lại tìm người đó, và nói:
"Nhận được thư ông, tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng tôi không trách ông đâu. ở vào địa vị ông, có lẽ tôi cũng hành động như ông. Bổn phận của ông quản lý khách sạn này là thâu cho được nhiều lợi. Nếu ông không làm như vậy thì người ta sẽ mời ông ra và như vậy là đáng lắm... Nhưng nếu ông quyết giữ cái giá mới đó thì xin ông lấy một mảnh giấy và chúng ta cùng xét xem lợi và hại ra sao".