XtGem Forum catalog

Wap Tải Game Mobile Miễn Phí
Bây giờ: 10:44:48 - Hôm nay: 30/11/2024
home Home » Đọc Truyện » Truyện tình yêu
XUỐNG CUỐI TRANG

Mười hai năm trước, ba tôi đi mua siro đá cho em tôi và không trở về.

Ba không bị xe tông. Ít ra, không ai thấy xác ba quẩn quanh đâu đó, không có bệnh viện nào điện tới để mẹ tôi bắt, cũng không có báo nào đăng tin. Trước mặt nhà là con lộ lớn mà thời đó, xe chạy trên lộ còn ít hơn xe chen trong hẻm mua cá mắm muối dưa. Ba không đi theo bồ nhí. Ít ra mẹ tôi nói vậy. Ba không lạc đường được, ít ra tôi tin vậy. Ba cũng không nửa đường mất trí, tôi cũng tin vậy luôn. Nhà tôi ngay mặt lộ lớn, đi chệch qua hướng khác còn khó hơn đi đâm thẳng, tôi luôn tin đó là lí do lớn nhất để bất kì ai có nhà ở đây giống tôi không thể lạc được.

Ba chỉ đơn giản là không về. Ngay cả sau này lớn lên rồi, tôi vẫn không biết viết gì thêm vào chỗ đó.

1.

Mẹ tôi không thay đổi nhiều khi ba không về. Số đổi thay nếu tính cộng dồn lại mười hai năm chắc không lớn hơn số ngón tay, rải dọc suốt mười hai năm thành ra không đáng kể. Cái đổi thay lớn nhất là mẹ không lập bàn thờ. Mỗi năm đến ngày ba đi, không mâm cơm, không cúng quải, ba mẹ con chỉ lên bàn thờ Phật lầm rầm gì đó chỉ Phật nghe được, mạnh ai nấy tự lầm rầm cái mình muốn lầm rầm rồi đi xuống. Nhà tôi không có gì thay đổi về chuyện này và đó là sự thay đổi lớn nhất mà tôi không nhìn thấy.

Sự thay đổi thứ hai của mẹ tôi cũng không thể nhìn thấy mà phải nghe- mẹ thở dài nhiều hơn và đạp bàn may nhiều hơn. Hồi tai anh em còn đặt trái tim trong tai và dưới gan bàn chân, chúng tôi hay bấm nhau nói im lặng mỗi khi nghe phòng bên cạnh có tiếng mẹ thở dài rồi tiếng máy may, lại bấm nhau đi trong im lặng mỗi khi nghe phòng bên cạnh dứt tiếng thở dài mà cũng không còn tiếng máy may. Mẹ may đồ thì cũng bình thường thôi, mẹ vẫn may cho cả nhà những bộ đồ đầy đủ tay chân và không đáng chê. Chỉ là sau khi ba đi, mẹ may nhiều chút và không may cho ba nữa vì phần đó không ai mặc. Chúng tôi đơn giản là có nhiều đồ để mặc hơn, hoặc giả vì chúng tôi được hưởng sái từ phần ba không mặc nữa nên thấy nó nhiều hơn cũng không chừng.

Sư thay đổi thứ ba của mẹ tôi thì nhìn thấy được, là mẹ cười. Mẹ cũng hay nói về ba nữa, nhưng không nhiều như lúc ba chưa đi mua siro đá. Mẹ có hỏi mấy lần là sao ba hoài không về, không biết là ba đi đâu, ba có sang đường khác rồi đường khác nữa không, ba có sang quận khác rồi quận khác nữa không. Sao ba không về nhà lấy xe rồi tha hồ đi xa, mà có khi dọc đường ai gặp ba tiện yên sau cho quá giang, cũng có thể. Sau đó mẹ chuyển sang dạy hai anh em. Một khi chuyển đề tài qua hai anh em tôi, mẹ sẽ không nhắc ba nữa, cho tới hết ngày.

Em trai tôi thay đổi rõ hơn mẹ. Trước khi ba đi, nó thèm siro đá mỗi tuần. Sau khi ba đi, nó nhắc siro đá mỗi ngày. Hồi nhỏ tôi hay đánh đầu, biểu ba không nhắc mà nhắc siro. Em trai tôi nhắc cũng đa dạng, nó thể hiện nỗi thèm ăn lẫn nỗi nhớ người đi mua theo cách mà tôi không làm được.

Một lần em trai nói với tôi:

- Em sẽ phát minh ra một cái máy xay xi rô đá không bao giờ ngừng. Em sẽ tặng mỗi nhà một cái để không ai phải ra đường mua siro đá nữa.

Sau đó em trai nói với tôi:

- Em sẽ xây dựng một công ty siro đá lớn nhất Việt Nam.

Sau đó em lại nói với tôi:

- Em sẽ xây dựng một tập đoàn chuyên cung cấp siro đá xuyên quốc gia.

Sau đó nữa em lại nói với tôi:

- Em sẽ học làm siro đá thiệt ngon, ai muốn uống thì em làm cho uống.

Sau đó nữa em lại nói với tôi:

- Anh ăn siro đá không, hôm nay anh em mình đi. Mẹ không đi mình mua về cho mẹ.

Sau đó nữa em lại nói với tôi:

- Anh còn thích siro đá không?

Rồi sau nữa, em trai bắt đầu vẽ. Em vẽ siro đá ở đủ hình dáng, cho đến khi em vào khoa thiết kế thì siro đá trên giấy em trở nên mông lung. Nó siêu thực và loằng ngoằng tới mức tôi chỉ nhìn vào mấy vụn trắng và những màu sắc chòa lòa rồi đoán đại thành màu của thứ ăn được. Nó trở thành cảm hứng cho phong cách này nọ của em, thành ý tưởng đứng sau những ý tưởng khác, thành thứ dẫn hướng một sản phẩm, lèo lái một chức năng. Em ra trường, học thêm một bằng kế toán rồi làm kế toán, luôn tới giờ. Tôi không thấy siro đá trên miệng em hay trên giấy em trai nữa, nhưng thỉnh thoảng khi tôi nhắc siro đá trên miệng mình, em vẫn cứ hùa theo và có đi ăn cùng tôi.

Còn mình, tôi không biết nói sao. Cái hồi em trai tôi chạy vào hỏi, ba đi mua siro đá sao qua giờ chưa về anh, tôi đang ngẩng đầu nhìn tia nắng đầy bụi xiên xuống nền nhà. Thành ra từ đó, tôi có thói quen tìm tia nắng giống vậy mỗi khi nhớ ba. Nói về thay đổi chắc tôi chỉ có cái đó là chính.

Những chuyện khác, tôi không biết nói sao. Chắc tôi có vài xáo trộn nhưng không đáng, có thể là không xáo trộn. Tôi thích nghĩ là mình không xáo trộn gì. Trước khi ba đi mua siro đá, những thứ đó đã có sẵn trong nhà lẫn trong tôi. Sau khi ba đi mua siro đá, tôi đảo thứ tự chúng lại chút đỉnh – cái thì gom về hướng mình để đếm, cái thì đẩy ra xa vì không cần thiết, cái có bóng dáng ba thì tôi cất sâu, cái trung lập hơn tôi lôi ra chưng, có cái tôi nghi nó ẩn câu trả lời về chuyến đi của ba nên gỡ từng lớp ra thăm dò.

Tựu chung lại, tôi thấy mẹ và em trai đổi khác nhiều hơn mình. Tôi thích thống kê sự đổi thay ở mẹ và em trai hơn là sự đổi thay của mình, thích nhìn và không thấy cái gì đẹp hay xấu cũng như nên hay không nên ở những đổi thay đó. Nó chỉ như một cuốn album gia đình chụp vào một dịp không phải gia đình nào cũng có – dịp người đàn ông trụ cột tự nhiên đi mua siro đá rồi không về.

2.

Thật ra, cái khác đáng ra phải nhiều lắm, hơn là chỉ khác rải rác như vầy. Nhiều lúc tôi ráng tìm xem có cái khác nào bị mắc kẹt đâu đó giữa những lời nói qua lại trong bữa cơm của mẹ với tôi, em với tôi, cái khác nào đó dài chừng mấy giây và ngắn chừng nửa ngày, cái khác nào đó không được nhuộm màu vật lí nhưng được nhuộm màu tâm thức, cái khác nào đó chắc chắn có mà tôi không thấy hay không.

Mỗi người đều có cách riêng để phân đoạn cuộc đời mình, tôi nghĩ vậy. Với ba mẹ con tôi thì cách phân giống nhau, vì tôi phân dùm hết. Đoạn thứ nhất là trước khi ba đi mua siro đá. Đoạn thứ hai là sau khi ba đi mua siro đá và không về. Tôi rạch ra như vậy là để dễ tống vài thứ vào mỗi bên cho đỡ lộn xộn, ví dụ như cái thở dài và chuyện may áo của mẹ, mơ ước thành lập công ty siro đá của em trai, thói quen tìm tia nắng của tôi, chứ nói về tổng thể thì có những thứ vẫn nằm được ở cả hai giai đoạn.

3.

Thật ra đời chúng tôi còn một đoạn nữa, đó là đoạn sau khi ba đi mua siro đá và trở về. Đoạn này không có mẹ vì mẹ đã mất trước một tuần.

Lúc tôi cùng em trai khiêng mấy món đồ ra ngoài cửa thì ba bước vô. Sau nhiều năm, tôi đã nhổ giò cao hơn ba, em trai thì nhổ giò cao hơn tôi nên chúng tôi cần thời gian đong đo độ cao với mấy sai biệt khác. Tôi nhận ba bằng cách đứng yên trong khi em trai nhận ba bằng cách không nhận ra ông. Ông cởi nón, những nếp nhăn đẩy nhau lên về phía trán chắc là để cười với sự sững sờ trong mắt hai thằng con. Tôi đoán vậy thôi chứ tôi đâu biết, nhưng tôi nghĩ lúc đó ông cười thật, hi vọng những nếp nhăn quá xá không làm mình lộn. Em trai tôi hỏi:

- Ai vậy anh?

Tôi nghĩ mình nên nói thật:

- Ba về đó em.

Em trai tôi đứng yên cũng một phút, không hiểu sao tôi không cứu bồ nó, chắc là tôi nghĩ nó tự cứu được. Hoặc cũng có thể lúc đó tôi mắc cứu mình.

- Ba đi mười hai năm, cuối cùng nó nói, đi mười hai năm mua siro đá cho con, cuối cùng về tay không vậy sao?

Câu hỏi tuyệt cú mèo! Tôi mím môi nhìn ba, chờ ba đem siro đá về cho nó để xong rốt chuyến này.

- Xin lỗi con, đá tan dọc đường nên ba phải tưới cây hết rồi.

Thế là em trai tôi thở dài giống mẹ, rồi đi vô nhà trong. Tôi với ba ráng lắng nghe – chỉ có tiếng mưa ngoài chứ không có tiếng dậm chân hay đập cửa bên trong. Cũng giống như ba đi mua siro không về, em trai vô trong rồi bữa đó không trở xuống. Bữa đó chỉ có hai ba con cùng nhau khiêng đồ ra khiêng đồ vô, không bao lâu là sạch trơn đống cần dọn sau khi mẹ đi. Tôi nhớ tôi đã cười nhiều lắm, mà không hiểu sao sau này lúc vẽ lại trong đầu, chúng chỉ còn là những nét xếch lên của mắt mũi miệng tai chứ không kèm về được cảm xúc nào. Tôi không hiểu tại sao.

Tôi từng tin là, nếu ba đi bao lâu ấy thời gian giờ trở về mà chúng tôi không được lời giải thích nào vẫn sống tiếp được thì không phải con người nữa. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi không nhận được câu trả lời rốt ráo nào vẫn tiếp tục sống – không ai phải ăn cỏ hay bơi dưới nước, rốt cuộc chúng tôi vẫn là con người, cả hai anh em. Tôi cũng không hiểu tại sao.

Anh em tôi từng chụm nhau làm một bữa quây quần, uống rượu với ba rồi hỏi ba những thứ rượu có thể trả lời. Có điều bữa đó ba không mời rượu lên nhiều tới mức hai anh em nghe được tiếng nó, nên rốt cuộc chỉ nói chuyện với ba. Tôi hỏi:

- Ba đi đâu bao lâu nay, ba có thể nói con biết không?

- Ba đi mua siro đá rồi ghé làm mấy công việc chưa làm xong.

- Sao tới mười hai năm?

- Công việc đó cần mười hai năm.

- Sao ba không về đưa siro đá cho em con rồi đi giải quyết công việc?

- Về sẽ không kịp.

- Ba không thể nói được một chút nào sao?

- Con không thấy những chuyện rất dài, khi kể lại càng ngắn thì sẽ càng đủ sao?

Em trai tôi chừa toàn bộ lượt hỏi cho ba.

- Mẹ có nói gì về ba không?

- Dạ có. Tôi trả lời.

- Mẹ có nhớ ba nhiều không?

- Con nghĩ là có.

Ba xài không hết lượt em tôi chừa, lại uống rồi đi lên nhà trên. Em tôi ngồi uống tiếp với tôi, không nhắc gì tới siro đá nó chờ mười hai năm. Tôi cũng không hiểu tại sao.

Ba về rồi không có nhiều đổi thay. Tôi nghĩ cũng như mẹ ngày xưa, mất ba còn một mình mẹ, mẹ không làm được sự đổi thay nào đáng kể, thì giờ mất mẹ còn mình ba, ba cũng không khác. Ba không cần lập bàn thờ mẹ vì anh em tôi đã lập sẵn rồi. Tới bữa, ba người chúng tôi lên bàn Phật lâm râm khấn vái, xong qua bàn mẹ lâm râm vái khấn rồi mạnh ai nấy xuống.

Tôi không nghe ba thở dài. Ba cũng không biết may để mà trở về lại có vụ đạp bàn máy. Ba không nói nhiều hơn cũng không cười nhiều hơn, vì ngày về, ba coi như chỉ còn mình tôi để nói chuyện. Hàng xóm nhìn ba không khác gì người đi ra từ vùng tam giác Bermuda, nói chung còn lạ hơn người đột ngột sống lại ba mươi năm sau chiến tranh hay hai mươi năm sau bão.

Cái khác biệt lớn nhất khi ba trở về là ba không mang theo khói thuốc. Ba dứt hẳn, ít ra là trong tầm mắt và tầm mũi tôi với em trai. Đôi khi tôi hơi ngạc nhiên, có khi nào mười hai năm ba đi, nhân tiện trên đường mua siro đá đã ghé chỗ nào đó cai thuốc luôn không? Hay có khi nào mười hai năm ba đi, ba gặp ai đó uống hết siro đá ba mua nhưng đổi lại giúp ba không hút thuốc nữa không? Hay chính mục đích ban đầu ba đi mua siro đá thật ra là để cai thuốc? Hay vốn ba đã cai thuốc, giờ chỉ ra đi rồi trở về để chính thức hóa nó? Tệ là những câu hỏi đó xuất hiện khi tôi không còn nhỏ, nên tôi không có cách nào trả lời chúng đẹp và gọn. Nhiều khi tôi lại đưa ra giả thuyết, có phải vì ba muốn tạo ra một cái gì đó cho chúng tôi tự hỏi và tự trả lời bằng chuyến đi mười hai năm, nhưng lại quên mất rằng một con người lớn qua mười hai năm sẽ không đủ khả năng trả lời một số chuyện nữa.

Ba về rồi, đổi thay rốt cuộc cũng không đếm hết bàn tay như ngày tôi ngồi đếm của mẹ. Thật ra, có lẽ vì tôi không màng đến những cái thay đổi tiểu tiết như: em trai không thèm nói chuyện với ba, em trai gắt gỏng với ba, em trai không chào ba khi đi ra ngoài, em trai hỏi ba lí do rất nhiều lần để rồi cuối cùng bỏ cuộc…, cho nên sau rốt tôi không thấy gì thay đổi nhiều hết. Cũng có thể, vì không còn một người phụ nữ làm cực hút, chúng tôi tự đẩy nhau ra, mà đã xa nhau rồi thì có thấy gì nữa để biết thay đổi hay không. Hoặc cũng có thể, sự đổi thay một khi ở hẳn trong nó thì sẽ không thấy nó nữa.

Về phần mình, tôi không còn tìm tia nắng nữa mà dành thời gian đó để sắp xếp lại những thứ tôi đã xáo trộn khi ba đi, thật thì cũng không phải xếp mà là xáo lại theo thứ tự khác. Tôi không biết nên đón ba bằng niềm vui trở về hay nỗi buồn vừa đưa mẹ đi. Lúc đó tôi chọn hoài và tới bây giờ thỉnh thoảng vẫn lấy ra để chọn lại, dù kết quả không cần thể hiện ra ngoài nữa.

4.

Có một lần, tôi đứng cạnh ba trước mộ mẹ dưới nắng thắm. Tôi nghe ba tỉ tê với mẹ chuyện cây cam sau vườn cậu mùa này không chịu ra trái, tự nhiên nghĩ mình nên cho cả hai một cơ hội nữa.

- Rốt cuộc thì ba đã đi đâu? Tại sao ba không về?

Ba tận dụng luôn cơ hội ấy.

- Ba về lâu rồi, còn con thì sao?

Đột nhiên, tôi thấy ba không còn bí mật nào về chuyện siro đá nữa. Tôi nghỉ truy vấn ba từ đó mãi về sau.

5.

Em trai lấy vợ năm hai mươi tuổi, tới quận khác ở rể và không trở về. Thật ra thời em đi qua quận khác không giống thời ba đi mua si rô đá, thứ cản em trở về không phải đường sá, dép mòn hay ly đá không kịp chờ. Em có trở về bằng điện thoại và nói chuyện với ba mấy câu nhằm đầu năm cuối năm, nhưng không trở về theo cách tôi muốn ba nhìn thấy trước khi ba qua đời.

Tôi đoán có lẽ là em đặt nhiều lí do bên hông quá nên em không ngồi gần ba được. Tôi đặt ít lí do hơn nên vẫn có thể gần quanh quẩn bên ba, dù rằng tôi nghĩ về tổng thể, những thứ hai anh em tôi mang lên từ lúc ba về nặng như nhau. Chỉ khác, nó đeo bên ngoài nên chiếm không gian ngoài, tôi đeo bên trong nên bên ngoài vẫn thoáng đạt.

Ba tôi có nói, tôi không còn nhớ là trước khi đi mua si rô đá hay sau khi đi mua si rô đá, rằng nếu con muốn kể những câu chuyện đã xảy ra mà hoàn toàn không biết nguyên nhân bên trong, thì cách duy nhất là nó diễn ra làm sao, con kể lại như vậy. Tôi nghĩ ba đúng, thường thì những chuyện càng dài thì sẽ càng ngắn.

Nếu tôi nghe lời ba triệt để, thì câu chuyện này chỉ bao nhiêu đây thôi: Mười hai năm trước, ba tôi đi mua si rô đá. Giờ ba đã về rồi.

Mà tôi cũng không chắc nữa – không chắc là cả nhà tôi, rốt cuộc có ai trở về sau chuyến đó không.

LÊN ĐẦU TRANG
Xem thêm: Truyện tình yêu
Hỗ Trợ:
+ Email: Quyenkk.hotro@gmail.com
Online: quyenkk
TextLink: Tải game miễn phí | Tải game android