Tác giả: Cao Xuân Lý
Huệ dựa lưng vào vách lá nhìn lơ mơ ra ngoài bãi đất sau nhà. Trên bãi đất pha sỏi và cát, những cây khoai mì vươn cao hơn hẳn những cây khác. Một giàn mướp đã tàn để lại những lá khô héo trên giàn, nhưng vẫn có những bông hoa nở vàng rải lưa thưa đây đó.
Xa xa là những căn nhà lá chìm ngập trong đám cỏ tranh và cây cối mới trồng. Màu xanh của cỏ, của cây, của núi rừng như nuốt chửng tất cả, lấn át tất cả những màu sắc khác. Một vài con bướm hiếm hoi bay lạc lõng trên những cánh hoa mướp nở muộn, nhưng rồi hình như cũng khám phá ra đó chỉ là những cánh hoa khô cằn, sắp héo, nên lại bay đi nơi khác.
Nhìn cánh bướm bay chập chờn trên đám cỏ tranh bao la không hiểu sao Huệ lại liên tưởng đến những người vượt biên, cũng với những con thuyền mong manh như những cánh bướm, họ đã băng qua đại dương và nhiều người đã đến được bến bờ.
Huệ chợt nhớ đến Cương, đến những người ra đi đầu tiên sau ngày đổi đời, và thấy số Cương đen đủi quá. Sau Cương có biết bao nhiêu người đi, và cũng không thiếu gì người bị bắt, nhưng ít có ai bị giam giữ lâu như Cương, đến bây giờ đã mấy năm rồi vẫn chưa thấy về.
Cương đối với Huệ là kỷ niệm vừa ngọt ngào vừa đắng cay, Huệ sực nhớ đến những lần đi chơi với Cương, chàng đã cho Huệ những rung động đầu đời mà nàng chưa hề biết, những rung động ấy như đọng mãi ở phần thân thể đã bị khuấy động. Chính những khuấy động ấy nên Huệ đã khổ sở khi không còn Cương trong cuộc đời nàng.
Trước đây, Huệ những tưởng muốn quên Cương chỉ việc tìm người khác thay thế chàng, nhưng nàng nhầm. Lực đến, tuy cũng gây một ít xôn xao trong lòng Huệ, nhưng những xôn xao ấy chỉ như cơn gió thoảng và hình như không để lại dấu vết gì. Hơn nữa, Lực bây giờ cũng đã ra ngoài tầm tay của nàng.
Ôi, Sài Gòn! Cái thành phố mà có thời Huệ đã chán ngấy, và có cảm tưởng chẳng có nơi nào để đi, chẳng có gì để chơi nữa, bây giờ lại là nơi Huệ ao ước được sống ở trong đó, được sống ở trong đó thôi đã là một hạnh phúc đối với nàng bây giờ.
Huệ nhớ con đường Lê Lợi tràn ngập những người qua lại, lúc nào cũng huyên náo như những phiên chợ ngày tết. Rồi đường Tự Do, với những phòng trà rập rình tiếng nhạc suốt đêm!
Huệ thèm được tắm trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp ấy ngay trong giờ phút này!
Một cơn gió thổi đến cuốn theo bụi bậm từ mấy luống rau mà đất đã khô vì thiếu nước tưới, khiến Huệ phải nín thở và nheo mắt lại, Huệ chợt thương cho làn da và mái tóc của mình.
Huệ ân hận khi nghĩ đến lần Nguyệt đưa cho nàng hộp phấn nàng lại từ chối, nói bảnh, kiểu "cùi không sợ lở" nữa. Nào ngờ, nói được mà làm không được, bây giờ chẳng lẽ xin chị ấy lại thì cũng kỳ. Nếu có Thái ở nhà thì cũng dễ, một thân một mình chị ấy làm sao lo hết cho người nọ đến người kia được!
Thật ra, lúc ấy Huệ chán đời quá nên không còn tha thiết gì nữa. Nhưng nỗi buồn nào cũng có ngày nguôi ngoai, và Huệ lại bắt đầu chú ý và chăm sóc cho nhan sắc của mình.
Thấy bố đi từ ngoài vào, bộ mặt tươi tỉnh hơn mọi ngày, Huệ đến gần hỏi:
-Hôm nào bố cho con về Sài Gòn chơi mấy hôm, con nhớ Sài Gòn quá!
Ông Thịnh đang đi, đứng lại nhìn Huệ, lưỡng lự một lúc, rồi nói:
-Về thì mày ở đâu?
-Con đến nhà chị Nguyệt.
Ông lắc đầu:
-Nó đang phải lo lắng đủ thứ: lo cho anh mày, lo cho ở đây, lo cho nhà nó, đừng có làm cho nó khổ thêm nữa!
Huệ chưng hửng:
-Vậy con không được về Sài Gòn luôn sao?
-Về chứ, nhưng để từ từ đã, rồi bố tính.
Huệ thất vọng bỏ đi. Để cho Huệ tính thì may ra còn nhanh được, chứ để cho bố tính thì biết đến bao giờ!
Ông Thịnh đã đi vào trong, bỗng quay lại:
-Mày đã nấu cơm chưa?
-Rồi, bố. Bố mẹ đói chưa để con dọn cơm? Cái con khỉ Quỳnh đâu rồi không biết. Bố xem nó suốt ngày xách đít sang nhà hàng xóm chơi!
Ông Thịnh xua tay:
-Nó còn nhỏ, mày không thương em một chút. Đang ở trong thành phố, nhà cửa như thế, bỗng phải sống trong hoàn cảnh này, cho nó đi chơi cho khuây khỏa.
-Thế còn con thì sao, bố làm như chỉ con Quỳnh mới biết buồn, còn con thì ở chỗ nào cũng được!
Ông Thịnh lại xua tay:
-Không phải thế, nhưng con lớn rồi may ra hiểu được, còn con Quỳnh nó làm sao hiểu được!
Bà Thịnh từ ngày lên đây được thêm bệnh sốt rét, cơn sốt vừa hạ thì lại nhức đầu, thấy hai bố con nói qua nói lại bà bực lắm nhưng chỉ nói:
-Nhức đầu thế này thì chết mất!
Nghe tiếng than của mẹ, Huệ im bặt. Bà dạo này khó tính, nói nữa không chừng bị mẹ chửi. Ông Thịnh chợt nhớ đến vợ, hỏi con:
-Mày nấu cháo cho mẹ mày chưa?
-Con tưởng mẹ ăn cơm cũng được.
-Thôi xuống nấu nồi cháo đi, mẹ mày còn yếu không nên ăn cơm.
Khi mới bắt đầu về đây, Huệ hình như không phải làm gì, mọi việc đã có Thái và bố, còn bây giờ mọi việc nàng đều phải nhúng tay vào, nhất là việc bếp núc.
Huệ không phàn nàn gì điều này vì biết rằng trước sau gì rồi cũng phải làm, nhưng điều nàng không ngờ là mình chỉ được thực tập trong một thời gian ngắn như thế thôi.
Nhìn thấy con gái lúi húi ở bếp ông Thịnh thương hại con, từ một cô gái không nhúng tay làm bất cứ việc gì bây giờ phải làm tất cả trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Ông biết là Huệ buồn, nên khi nó xin về Sào Gòn chơi ông đã toan cho, nhưng nghĩ lại thì chưa thể được, phải chờ cơ hội thuận tiện hơn.
Vừa rồi ông đi một vòng vùng kinh tế mới, khi thấy có nhiều nhà bỏ trống, ông hỏi người ta thì được biết, những người đó đã bỏ trốn về Sài Gòn rồi. Tuy không biết thực hư ra sao nhưng ông cũng mừng khấp khởi trong lòng.
Như thế thì ông không đến nỗi phải vùi thây ở nơi này, ngày nào đó ông cũng sẽ về Sài Gòn sinh sống dù rằng không lấy lại được căn nhà.
-Này, bà!
Bà Thịnh thấy chồng gọi, ngước nhìn lên:
-Gì, ông?
-Nhiều người trốn về rồi đấy.
-Ở đâu trốn về?
Ông Thịnh hơi bực mình về sự chậm hiểu của vợ nhưng vẫn dịu giọng:
-Ở đây trốn về Sài Gòn.
-Ông có chắc không?
Ông Thịnh hơi lưỡng lự:
-Tôi hỏi thì người ta nói vậy, để chờ ít lâu nữa xem sao.
Bà vẫn có vẻ không vui;
-Mà trốn về rồi ở đâu mới được chứ, nhà mình người ta lấy mất rồi!
Nghe vợ nói ông cũng đâm phân vân. Trốn về với hai bàn tay trắng, rồi lê la đầu đường xó chợ, mà chưa chắc đã yên!
Nỗi vui mừng như chút lửa rơm mới bùng lên lại tắt lụi liền. Huệ ở dưới bếp nghe bố mẹ nói chuyện với nhau vội chạy lên:
-Người ta về Sài Gòn hả bố?
-Tao nghe nói vậy.
-Thảo nào con thấy khu kinh tế mới dạo này vắng hẳn đi. Vậy mình cũng chuẩn bị về đi bố mẹ ạ. Ở đây có làm ăn gì được đâu. Chắc chỉ trồng được khoai mì, khoai lang, mà ăn mấy thứ đó hoài thì chịu sao nổi!
Bà Thịnh nói với Huệ:
-Nhưng về rồi ở đâu? Nhà mất rồi còn gì!
Huệ đang vui cũng chưng hửng bỏ xuống bếp lại. Nồi cháo bắt đầu sôi, nàng phải hạ bớt lửa xuống cho nó khỏi trào ra, nhưng một ít nước cháo màu trắng đục cũng đã tràn xuống làm ướt một góc bên ngoài nồi, nhưng vì cái nồi còn nóng quá nên nước cháo mới chảy ra đã khô lại rồi cong lên bên thành nồi.
Một làn khói mỏng và cả hơi nước từ bếp bay ra tan ngay trong không gian đang lộng gió chiều. Nắng đã nhạt màu trên rừng cỏ tranh trước mặt. Cảnh chiều ở đây hiu quạnh quá, Huệ có cảm tưởng gia đình nàng đang sống trong một thế giới biệt lập nào đó, xa cách hẳn với thế giới bên ngoài.
Bữa cơm chiều mọi người ăn một cách lặng lẽ, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Ông Thịnh nghĩ đến những người bỏ vùng kinh tế mới ra đi, họ về đâu? Ở đây thì chỉ có thể sang bên Miên thôi, mà bên ấy thì có khác gì Việt Nam, sợ còn khổ hơn nữa! Ông nghe nói Pol Pot giết cả hàng triệu người. Còn về Sài Gòn thì sống ở đâu khi nhà cửa đã bị tịch thu hết rồi. Đành rằng ông có thể bỏ tiền ra mua một căn nhà nhỏ nhưng làm sao yên ổn được. Thằng Thái chỉ vì không có hộ khẩu ở nhà vợ nó mà bị bắt, huống hồ là ở lậu cả một gia đình như thế này. Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác quay cuồng trong đầu óc ông mà ông không trả lời được.
Bà Thịnh thì nghĩ đến thằng con đang bị nhốt ở Sài Gòn, chỉ vì miếng ăn cho gia đình mà bây giờ nó phải chịu như vậy. Bỗng dưng bà thấy miếng cháo đang nuốt trở nên đắng hơn.
Riêng đối với Huệ, cái tin bỏ trốn vùng kinh tế mới trở về Sài Gòn là tin vui cho nàng thật, vì nếu người ta về được thì nàng cũng có thể trở về. Đối với nàng, chỉ cần về Sài Gòn được là tốt rồi, còn vấn đề ở đâu thì lúc đó tính sau. Nỗi vui khi nghĩ có ngày được về sống ở Sài Gòn làm Huệ phải lên tiếng, dù thấy cả bố lẫn mẹ đều có vẻ đăm chiêu suy nghĩ về một điều gì đó.
-Để chút nữa ăn xong con đi một vòng xem nhà nào đi rồi, nhà nào còn ở lại, nghe bố?
Ông Thịnh gật đầu cho qua:
-Ừ.
Quỳnh từ nãy đến giờ ngồi ăn, thấy chẳng ai nói gì cả, nó im luôn, bây giờ mới thắc mắc hỏi Huệ:
-Đi đâu hả chị Huệ?
-Về Sài Gòn.
Quỳnh buông đũa bát ôm choàng lấy Huệ:
-Vậy hả, em thích về Sài Gòn lắm, ở đây buồn quá!
Ông Thịnh chợt nhìn con rồi nhìn vợ. Nỗi vui của Quỳnh là nỗi đau của ông. Con ông chỉ mong ước một điều hết sức nhỏ bé mà ông không làm cho nó được. Từ ngày lên đây nó không học hành gì cả, suốt ngày chạy sang nhà hàng xóm chơi vì bên ấy cũng có đứa trẻ trạc bằng tuổi nó. Thương con ông không ngăn cản, vì giữ nó ở nhà cũng không được việc gì, mà muốn con đi học lại thì chưa có trường.
Trong mấy đứa con ông mến bé Quỳnh hơn cả, chỉ vì lý do nó bé bỏng nhất nhà lại chịu thiệt thòi nhất. Khi nó còn nhỏ ông gửi nó vào học trường đầm. Gọi là trường đầm mà thực ra không có đầm dạy, chỉ có mấy bà sơ dạy theo chương trình Pháp, với hy vọng là ông sẽ cho nó sang Pháp du học khi Quỳnh đã qua bậc trung học.
Vừa mới bập bẹ được mấy câu tiếng Tây thì biến cố ba mươi tháng tư xẩy ra. Con ông trở về học chương trình Việt như mọi đứa trẻ khác, nhưng rồi nó không may mắn, cả gia đình bị đẩy lên đây và việc học vì thế bị gián đoạn.
Nhìn con mà ông không biết nói với nó thế nào. Huệ đã cho nó nỗi vui to lớn và bất ngờ quá ông không nỡ lấy lại ngay. Nhưng rồi Quỳnh quay sang bố:
-Nhà mình về Sài Gòn hả bố?
Ông nhìn con ái ngại:
-Về bây giờ thì chưa được, nhưng rồi để bố tính dần.
Bà Thịnh cũng nhìn đứa con út, bà cũng mủi lòng như chồng và cũng hiểu là chồng bà đang nói để an ủi hai đứa con.
Tuy chỉ nghe bố nói có thế nhưng đối với Quỳnh đó là hứa hẹn hết sức tốt đẹp.
Quỳnh vừa ăn vừa vẽ vời tương lai theo trí tưởng tượng của nó và tô lên đó toàn màu hồng. Huệ thấy em như vậy cũng mủi lòng:
-Tí nữa ăn cơm xong hai chị em mình đi chơi một vòng.
-Quanh đây chẳng có gì chơi đâu chị Huệ ơi!
-Mày ngu vừa thôi, ai chẳng biết quanh đây không có gì chơi, nhưng đi dạo mát cũng là đi chơi vậy. Với lại, có đi thì mình mới biết nhà nào đi, nhà nào còn ở lại.
Quỳnh không nói gì, nó nghĩ đến việc gia đình nó có về Sài Gòn hay không thôi, còn người khác có về hay không chẳng quan trọng gì đối với nó. Những người khác về mà gia đình nó còn ở lại thì có ích lợi gì cho nó đâu.
Ăn xong Quỳnh lại ra ngoài chơi, lần này nó không sang nhà hàng xóm chơi nữa, mà chơi một mình với mấy cái kẹo mẹ nó mới cho nó khi vừa ăn cơm xong.
Nó biết là nhà nó còn nhiều kẹo bánh lắm mà không biết chắc là mẹ nó để ở đâu, chỉ biết thỉnh thoảng mẹ nó lại cho nó vài cái. Hình như chỉ một mình nó được như vậy vì thấy chị Huệ chẳng có gì cả, vì vậy nó cũng không đem ra khoe ai, nhất là chị Huệ.